Các kinh nghiệm học tập trong các bậc học tại Nhật Bản, dựa trên những điều mà nhiều du học sinh đã đúc rút ra trong thời gian đã học tập tại đất nước hoa anh đào. Tôi không thể truyền tải hết một cách chi tiết các kinh nghiệm trong quá trình học tập, mà chỉ giới thiệu một cách khái quát những phần tâm đắc và thiết yếu nhất, giúp các bạn hình dung cụ thể hơn về cuộc sống du học. Những điều chi tiết hơn, các bạn có thể tham khảo thêm ở các nguồn khác hoặc qua các lưu học sinh có kinh nghiệm và tự trải nghiệm khi bạn đặt chân đến Nhật Bản. Hy vọng rồi đây kinh nghiệm của chính bạn sẽ làm giàu thêm tài sản này và lại được truyền tải cho các lớp du học sinh đi sau.
Xem thêm:
Chuẩn bị hành trang lên đường du học để chắp cánh cho ước mơ tri thức của mình, đến một đất nước hoàn toàn mới chưa một lần đặt chân ” Nhật Bản – Đất nước hoa anh đào” Bên cạnh niềm vui, niềm phấn chấn và vô vàn những dự định cho riêng mình có lẽ là những băn khoăn, hồi hộp, những lo lắng không biết cuộc sống học tập ở môi trường mới sẽ như thế nào, nhất là với một đất nước phồn hoa, hiện đại và có nhịp sống nhanh đến chóng mặt như Nhật Bản, vì thế kinh nghiệm của những người đi trước chính là món quà giá trị nhất.
Kinh nghiệm học ở Nhật Bản
Các trường đại học Nhật Bản được trang bị rất hoàn hảo từ thư viện, phòng máy tính, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm đến ký túc xá, nhà ăn, nhà tập thể dục, bể bơi, sân bóng…nhằm phục vụ tốt nhất mục đích học tập, nghiên cứu và nghỉ ngơi của sinh viên. Ví dụ, thư viện được xây dựng khang trang với một kho sách đồ sộ, sinh viên ai cũng có thể mượn sách miễn phí mang về nhà học hoặc học tại thư viện. Phòng máy tính cũng được trang bị rất hiện đại, bất cứ ai cũng có thể sử dụng được và nhiều nơi còn cho phép sinh viên sử dụng 24/24. Các phòng ốc của các trường đại học luôn được trang bị đầy đủ hệ thống máy lạnh, lò sưởi làm bạn cảm thấy rất thoải mái trong những ngày đông lạnh giá hoặc ngày hè nóng nực.
Nhà ăn ở trường cũng rất tiện lợi và rẻ. Rất nhiều sinh viên, không nấu ăn ở nhà mà chủ yếu ăn ở nhà ăn. Ngoài ra, ở trường đại học còn có cả hiệu sách, đại lý bán vé tàu, cửa hàng giặt đồ, cửa hàng văn phòng phẩm, máy rút tiền ATM,… rất thuận tiện. Tại nhà tập thể dục thể thao, bể bơi, sân bóng, sinh viên có thể thư giãn sau những giờ phút học tập căng thẳng.
Giờ học
Phần lớn các trường đại học Nhật Bản giảng dạy bằng tiếng Nhật. Cả hai lần du học Nhật Bản, tôi cũng học bằng tiếng Nhật. Khi mới đặt chân tới Nhật, tiếng Nhật chưa đủ, việc nghe giảng của tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Sau mỗi giờ học, tôi thường phải mượn vở của những người bạn Nhật, mượn rất nhiều tài liệu tham khảo ở thư viện, về Phòng nghiên cứu để vừa tự ôn lại bài giảng, vừa làm bài tập. Vì vậy, theo tôi, trước khi vào học chính thức tại một trường đại học nào đó, bạn nên cố gắng trang bị càng nhiều tiếng Nhật càng tốt. Ngoài ra, trong các bài giảng của các giáo sư Nhật Bản, bên cạnh sách giáo khoa, sách tham khảo cũng được sử dụng rất nhiều, và khối lượng sinh viên phải tự học cũng rất lớn. Bạn nên tranh thủ đọc càng nhiều sách tham khảo càng tốt. Kết quả học tập mỗi môn học sẽ được đánh giá thông qua điểm thi giữa kỳ, cuối kỳ, report và cả những phát biểu tại những buổi thảo luận.
Làm thêm
Theo tôi việc làm thêm cũng cần thiết đối với những du học sinh tự túc. Tôi cũng làm thêm nhiều việc như làm tại tiệm ăn Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Nhật, dịch tài liệu,… Tiền thù lao làm thêm tại các tiệm ăn thông thường khoảng 800yên/giờ, bao gồm cả ăn trưa hoặc tối. Những công việc khác như dạy tiếng Việt, dịch thuật thì có mức lương cao hơn nhưng rất khó tìm và không phải khi nào cũng có. Đi làm thêm giúp tôi kiếm một phần sinh hoạt phí, nhưng làm thêm còn là một cơ hội tốt cho tôi tìm hiểu xã hội, con người Nhật Bản. Tuy nhiên, bên cạnh tôi cũng có một vài người bạn do tập trung quá vào việc làm thêm, bỏ bê việc học hành, dẫn đến một kết quả học tập không tốt. Cũng có một số người làm những công viêc nguy hiểm. Làm thêm như vậy thì không nên. Ở trường đại học, cũng có chỗ giới thiệu công việc làm thêm cho bạn, bạn thử đến đó tham khảo xem sao.
Kinh nghiệm sống ở Nhật
Ở Nhật Bản, bất cứ cái gì bạn cần đều có thể mua được. Hệ thống những cửa hàng tiện ích mở cửa 24 tiếng một ngày có ở khắp nơi. Trong suốt thời gian du học, tôi đã sống với một gia đình người Nhật. Nhưng nhiều bạn bè tôi sống trong ký túc của trường. So với nhà thuê ở ngoài, thì ký túc xá chật chội hơi, nhiều trang thiết bị phải sử dụng chung, nhưng tiền nhà ở ký túc xá lại rẻ hơn rất nhiều so với bên ngoài, và ở trong ký túc xá bạn còn có thể kết bạn với nhiều sinh viên người Nhật cũng như sinh viên nước ngoài cùng sống chung ký túc xá. Còn tôi, qua những câu chuyện giao lưu với gia đình người Nhật mà tôi sống chung, không những tôi nâng cao được năng lực tiếng Nhật mà tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều về văn hoá, sinh hoạt của người Nhật.
Ở Nhật người ta ít sử dụng xe máy. Hệ thống xe buýt và tàu điện ở Nhật Bản rất phát triển giúp bạn đi tới bất cư nơi đâu bạn muốn trên nước Nhật. Nên bạn chỉ cần mua thêm chiếc xe đạp là tiện lợi nhất. Phần lớn sinh viên ở Nhật sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại.
Vào ngày nghỉ, tôi thường tranh thủ đi thăm các di tích lich sử, danh lam thắng cảnh, chùa chiền hoặc đi dạo tại các trung tâm mua sắm. Vào những đợt nghỉ dài, tôi hay cùng bè bạn đi du lịch đâu đó hoặc đi nghỉ ở suối nước nóng.
Những luật lệ ngầm ở Nhật Bản
Để hòa đồng vào xã hội, cuộc sống và con người Nhật Bản, bạn cần hiểu những quy tắc ngầm sau đây:
1. Không dùng tăm ở nơi công cộng, nếu dùng thì phải kín đáo hay vào nhà vệ sinh
2. Vào nhà hàng không dùng khăn nóng lau mặt, chỉ để lau tay thôi
3. Người cùng giới đi ngoài đường không choàng vai bá cổ nhau
4. Không dùng ngón tay chỉ vào người khác
5. Không rung đùi
6. Dùng chén, đũa đúng
7. Không hỏi tuổi người đang nói chuyện với mình
8. Ngoài người yêu, vợ, chồng, con ra, không bao giờ động chạm vào người đang nói chuyện với mình kể cả lúc thân mật cũng như lúc giận dữ, cãi cọ
9. Không nhổ nước bọt, ngoáy mũi nơi công cộng
10. Không nói chuyện ồn ào làm phiền hàng xóm
11. Lên tàu điện giữ trật tự, không nói chuyện ồn ào làm phiền người xung quanh
12. Không nghe nhạc to trên tàu điện
13. Không ăn uống trên tàu điện
14. Không vắt chân khi ngồi trong tàu điện
15. Không chen lấn, xô đẩy
16. Xếp hàng, không chen ngang
17. Không vứt rác bừa bãi, rác mình thải ra có thể mang về về nhà bỏ khi cần
18. Không để ý soi mói người xung quanh
19. Không trộm cắp
20. Không cãi, đánh lộn
21. Không gây ồn làm phiền người khác khi ở nhà
22. Không liếc ngang, liếc dọc khi đối thoại
23. Khi làm việc, không sờ vào những thứ chưa biết
24. Đi vào nhà Nhật, hay ăn kiểu Nhật không mang giầy lên sàn, phải cởi giày để ở dưới đất.
25. Đi lên sàn có chiếu tatami, nếu mang tất thì không cởi
26. Không gắp thức ăn cho người khác .
27. Không hỏi lương của người khác.
28. Không hỏi cân nặng cũng như bình luận về hình thể người đang nói chuyện với mình.
29. Không chở nhau bằng xe đạp, xe đạp chỉ dành cho 1 người. Cảnh sát sẽ hỏi thăm nếu thấy mình đi xe đạp mà chở thêm 1 người nữa.
30. Không lái xe lúc uống bia rượu, sẽ bị phạt rất nặng nếu bị phát hiện
31. Không vừa đi vừa hút thuốc, không bỏ tàn thuốc bừa bãi
32. Không khoanh tay trước mặt, không đút tay 2 tay vào túi quần khi nói chuyện
33. Không cho số điện thoại, địa chỉ của người này cho người khác khi chưa có sự đồng ý của họ.
34. Không nói chuyện điện thoại trong bữa ăn hay khi nói chuyện với người khác