Du học Nhật Bản là ước mơ, là niềm hi vọng của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam. Đó có thể là một em học sinh vừa rời mái trường THPT, cũng có thể là một bạn sinh viên nhiều hoài bão hay một người trưởng thành mang trong mình khát khao cơ hội đổi đời. Những hứa hẹn cho một tương lai mới là điều mà nền giáo dục xứ sở hoa anh đào mang đến. Và tất nhiên, bên cạnh đó có vô số thách thức có thể khiến bất cứ ai chùn chân nếu không đủ mạnh mẽ.
Các bài viết gần đây:
Không cuộc sống nào chỉ như mơ ước, không có con đường nào đi chỉ trải toàn hoa hồng. Nhìn những tấm gương đàn anh, đàn chị đi trước, trưởng thành, trở về và thành đạt, hẳn là không khỏi ngưỡng mộ. Thế nhưng, để có thể đạt được những thành tựu đó cho bản thân, họ cũng từng vấp ngã, từng phải trả giá. Để đến được thành công, chắc chắn phải vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt nhất là ở giai đoạn mới đặt chân sang Nhật nhiều hi vọng và cũng đầy bỡ ngỡ.
1 . Rào cản ngôn ngữ
Mỗi một quốc gia sử dụng một loại quốc ngữ riêng, điều đó không còn có gì lạ. Trên dưới 20 năm chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ là chủ yếu, cho dù kể cả chuẩn bị tốt đến đâu, rèn luyện tiếng kỹ càng đến thế nào thì rào cản ngôn ngữ vẫn luôn là khó khăn đầu tiên dành cho các bạn trẻ du học sinh. Tình trạng “vịt nghe sấm”, hay “câm điếc” tạm thời vì mình nói thì người Nhật không hiểu mà họ nói thì mình nghe cũng chẳng ra không phải là hiếm. Điều đó ít nhiều đều mang đến nỗi lo chung cho du học sinh, nếu không cố gắng, không đủ nghị lực sẽ dẫn đến nhụt chí muốn quay trở về. Đây chắc chắn là thất bại lớn nhất của một người đã đặt ra ước mơ nhưng lại không bao giờ có thể thực hiện.
2 . Đơn độc
Sống được nuông chiều trong vòng tay bố mẹ, được sự bao bọc của thầy cô thân quen. Ấy thế mà chỉ hơn mười mấy tiếng đồng hồ, những thứ đó đã trở nên vô cùng xa vời với chúng ta. Ở một đất nước cách xa hàng nghìn cây số, chỉ có thể trò chuyện trên các phương tiện liên lạc, thật khó có thể mà nói không cô đơn, lạc lõng. Đặc biệt là đối với các em học sinh chỉ mới vừa tốt nghiệp THPT, còn chưa từng va chạm với xã hội thì điều này càng trở nên đáng sợ.
>>> Hãy rèn luyện tinh thần thật tốt, chuẩn bị tâm lý để có thể dũng cảm trưởng thành nơi xứ người.
3 . Cám dỗ
Theo thống kê, tỉ lệ du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản bị bắt vì trộm cắp hay bị trục xuất vì nghỉ học ngày càng tăng. Đây không còn là con sâu làm rầu nồi canh, mà nó có thể trở thành một vấn nạn khiến hình ảnh người Việt trở nên méo mó, bị kì thị. Nguyên nhân tại sao các em lại có những hành động, những suy nghĩ lệch lạc như vậy?
Điều đó có thể lí giải bởi những cám dỗ ngay tại nơi mà các em đặt chân đến.
+ Đó là những bạn quen bị kìm kẹp bởi gia đình, sang đến nơi không có một rào cản nào khiến các em dễ sa ngã, ham mê chơi bời, bỏ bê học tập.
+ Đó là những em choáng ngợp với sự hào nhoáng nơi đô thị tấp nập của một cường quốc, sẵn tiền vung tay quá trán nên thiếu sinh hoạt phí, phải đi ăn trộm đồ.
+ Đó là những em lợi dụng những sơ hở trong an ninh của Nhật, trong lối sống đề cao tự giác, trung thực mà cố tình “mua hàng quên trả tiền”.
+ Đó là mức hấp dẫn của tiền lương làm thêm tại Nhật dễ khiến các em sa đà vào việc đi làm, bỏ bê đi học.
>>> Xác định rõ mục tiêu và thực hiện một cách nghiêm túc để tránh bị lung lạc bởi những cám dỗ tiêu cực.
4 . Thiếu thốn tiền bạc
Không phải gia đình em nào cũng có điều kiện tài chính để chu cấp cho các em một khoản dư dả khi đặt chân sang Nhật. Nhiều nhà phải chắt bóp tiền lo chi phí thủ tục xong xuôi thì cũng chỉ cố thêm một khoản nhỏ cho em lên đường tự lo cho bản thân trước khi tìm được việc làm. Thiếu thốn tiền bạc là vấn đề vô cùng quan ngại khi có rất nhiều khoản phải chi: tiền ăn uống, tiền đi lại, tiền điện thoại, tiền thuê nhà,…Đặc biệt ở một quốc gia phát triển như Nhật, chi phí lại càng đắt đỏ hơn, nhất là các thành phố lớn như Tokyo, Osaka,…
>>> Cân nhắc chi tiêu hợp lý, tiết kiệm và chủ động tìm việc làm thêm sớm để có thêm tiền tự trang trải sinh hoạt phí cho bản thân. Lựa chọn trường, chọn khu vực có học phí, phí sinh hoạt hợp lý hơn cho khả năng tài chính của gia đình.
5 . Thay đổi môi trường sống
Nhật Bản và Việt Nam có những khác biệt rất lớn như giao tiếp văn hóa, thời tiết khi hậu, ẩm thực ăn uống, giao thông đi lại,… Điều này mang đến không ít rắc rối cho du học sinh Việt Nam khi mới sang. Nhiều bạn vô tình bị đánh trượt vì mắc lỗi trong giao tiếp với người Nhật do không biết, hay không ít bạn vì không quen khí hậu, thức ăn mà ốm đau. Sự khác biệt về giao thông cũng khiến các em hoang mang khi mới tập làm quen.
>>> Tìm hiểu kỹ về lối sống người Nhật, chuẩn bị quần áo, thuốc men phù hợp với điều kiện thời tiết nơi chúng ta đến. Khi mới sang có thể mang thêm ít đồ khô của Việt Nam phòng trừ trường hợp chưa thích nghi được đồ ăn của Nhật.
6 . Khó khăn khi đi xin việc
Không giống với các bạn đã ở Nhật một thời gian, các em mới sang lạ nước lạ cái, nên việc gì cũng khó khăn hơn. Điển hình như việc các em tìm việc làm, phỏng vấn xin việc. Nếu đăng ký nộp hồ sơ tại một công ty tư vấn du học Nhật Bản uy tín, các em còn được hỗ trợ giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp lâm vào hoàn cảnh “ đem con bỏ chợ”. Khi các em lên máy bay là công ty đó như trút sạch toàn bộ trách nhiệm, điều này khiến các em càng khó khăn hơn vì không biết phải bấu víu vào đâu.
Các bài viết gần đây: